Từ đầu năm đến nay, dân ở các phường 2, 3 và một số khu vực nội ô TP Sóc Trăng phát hiện nước sinh hoạt đổi màu. Bà Loan, 63 tuổi ở đường Lê Hồng Phong, phường 3, cho biết nước bị đen diễn ra nhiều thời điểm, có khi cả ngày. Hơn nửa tháng trước vừa xả nước ra, bà phát hiện "đen như nước sình (bùn)" nên không dám tắm, lấy điện thoại chụp lại.
Bà Loan chụp lại nước sinh hoạt có màu đen. Ảnh: An Minh
Theo bà Loan, khi người dân phản ánh, người của công ty cấp nước đến đường ống bên ngoài xả nước dơ ra liên tục 2-3 ngày thì nước trong lại, song sau đó tái diễn. Lo sợ ảnh hưởng sức khỏe, gia đình không dám nấu ăn bằng nước máy, phải mua nước bình sử dụng.
Tương tự, bà Hương, 76 tuổi, ở khu dân cư 586, phường 2 cho biết gia đình có 3 người, nhưng mỗi tháng phải tốn khoảng 300.000 đồng tiền nước, do nước dơ phải xả bỏ. "Lâu lâu phát hiện nước bị đen tôi phải xả ra khoảng 20 phút mới dám sử dụng", bà nói.
Cách đây một tháng, bà phát hiện nước sinh hoạt bị "đen như nước đường mương" nên không dám sử dụng, phải mua nước bình về dùng. Tình trạng này diễn ra thường xuyên từ Tết đến nay, còn những năm trước thì tần suất ít hơn.
Nước sinh hoạt do người dân ở khu dân cư 568, phường 2, chụp, phản ánh lên hệ thống trực tuyến của tỉnh ngày 13/2. Ảnh: An Minh
Không chỉ các hộ gia đình, những người thuê trọ cũng khốn khổ vì nước sinh hoạt kém chất lượng. Một hộ thuê trọ ở đường Lê Hồng Phong cho biết hơn 10 ngày nay, nước đen nặng hơn, có lúc đen như cà phê. Cả dãy hơn 40 phòng ai cũng bị tương tự. Mọi người phải dùng vải, miếng xốp để lọc nước dùng tắm giặt, còn ăn uống thì phải mua nước bình.
Nguồn nước sinh hoạt cấp cho các khu vực trên do Công ty cổ phần phần nước Sóc Trăng phụ trách. Ông Đặng Văn Ngọ, Tổng giám đốc công ty, cho biết nhiều nguyên nhân dẫn đến nguồn nước chưa đảm bảo, trong đó có tình hình biến đổi khí hậu làm mực nước trong các giếng hạ xuống. Ở chiều sâu tối đa 35 m có thể khai thác theo quy định, đơn vị chỉ lấy được 30-35m3 nước mỗi giờ, giảm khoảng 30%.
Chưa kể việc cấp nước còn bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn trên sông. "Có khoảng 50-60% giếng bị nhiễm mặn ở cả tầng sâu và nông", ông Ngọ nói, cho biết trước đây hàm lượng sắt trong nước ít, chỉ vài mg/l, nhưng hiện có những giếng lên đến vài chục mg/l. Việc xử lý nước ở những giếng này rất khó khăn.
Ngoài ra, đơn vị đang vệ sinh mạng lưới đường ống khiến lượng cặn bám vào ống cũng ảnh hưởng chất lượng nước cung cấp cho người dân. Hiện, công ty đang đề xuất UBND tỉnh đầu tư nâng công suất các nhà máy, giúp lưu lượng nước chảy về, đủ áp lực vệ sinh đường ống dễ dàng hơn.
Nhân công cải tạo nâng cấp hệ thống xử lý nước ngầm ở Sóc Trăng. Ảnh: An Minh
Công ty đang cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 200.000 hộ dân chủ yếu ở khu vực đô thị và một số khu vực ven đô, với khoảng 50.000 m3, trong khi nhu cầu khoảng 60.000 m3. Đơn vị đang chuyển đổi dần từ khai thác nước ngầm sang nước mặt; nâng cấp, xây mới một số trạm để đảm bảo trữ lượng và chất lượng; nâng công suất 80.000-90.000 m3.
Xâm nhập mặn ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang tăng dần. Dự báo, đợt ảnh hưởng mặn kết hợp triều cường vào sâu và nghiêm trọng nhất từ đầu mùa khô đến nay là từ từ 24/2-4/3. Đến cuối mùa khô, các tỉnh miền Tây còn 3 đợt xâm nhập mặn vào các kỳ triều cường. Chiều sâu dự báo ranh mặn 4g/l lớn nhất ở các cửa sông Cửu Long trong kỳ triều cường vào khoảng 45-62 km; ở khu vực hai sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây, chiều sâu xâm nhập từ 65-70 km. Giai đoạn này, hầu hết các tỉnh miền Tây đều thiếu nước ngọt, ảnh hưởng người dân.
Chúc Ly