Làm thế nào để tránh chạy dư đường khi đi race?

01/04/2025
|
0 lượt xem
Chia Sẻ
Làm thế nào để tránh chạy dư đường khi đi race?

Sau giải Tiền Phong Marathon tại Quảng Trị cuối tuần qua, nhiều người chia sẻ trên mạng xã hội tracklog lên tới 42,5 - 42,6 km. Ở một số giải chạy lớn khác, đồng hồ của các runner cũng thường ghi nhận quãng đường ở mức 42,5 km.

Bản thân tôi, khi chạy Seoul Marathon hôm 16/3, cũng có tracklog thậm chí ghi nhận tới 42,7 km. So với thông số 42,195km tiêu chuẩn của cự ly marathon, việc đường dư tới 500 mét sẽ khiến tôi phải chạy thêm khoảng hơn hai phút, xét theo tốc độ trung bình của tôi hôm đó.

Thông thường, việc đo đạc quãng đường đều được các ban tổ chức phối hợp với một bên đơn vị chức năng uy tín thực hiện rất tỉ mỉ, đảm bảo chính xác cự ly tiêu chuẩn cho mọi giải chạy. Vậy tại sao lại có tình trạng dư đường được ghi nhận trên các thiết bị (đồng hồ GPS, Stryd ...) của runner sau các cuộc đua?

Với thắc mắc đó, tôi đã tìm hiểu và muốn chia sẻ với mọi người một số thông tin. Giả sử thông số thiết bị đo của runner là đúng, có thể chúng ta đã chạy chưa đúng cách để tránh dư đường.

Minh họa về việc chạy theo đường tiếp tuyến (ảnh trên) và chạy không theo đường tiếp tuyến (ảnh dưới).

Có một kỹ thuật trong chạy đường dài, gọi là "chạy theo đường tiếp tuyến" (Run Tangents). Khái niệm này hiểu nôm na là chạy quãng đường ngắn nhất từ A đến B, ôm sát mặt trong của đường cong ở các khúc cua hoặc điểm quay đầu. Đường của ban tổ chức thường sẽ đo theo đường tiếp tuyến này, nên chúng ta chạy vòng rộng hơn sẽ bị dư ra, đặc biệt khi đường chạy lòng vòng nhiều khúc quẹo.

Tuy nhiên, ở các giải chạy lớn, lúc nào xung quanh cũng có hàng trăm người chạy cùng tốc độ, việc chạy theo đường tiếp tuyến cũng không đơn giản, thậm chí nguy hiểm. Theo kinh nghiệm, tốt nhất mọi người nên nghiên cứu đường chạy trước, ghi nhớ những mốc nào sẽ có khúc cua, quay đầu. Khi gần tới đó, ta chủ động căn từ xa, chuyển làn dần dần, vừa an toàn vừa đỡ mất sức.

Trên hệ thống World Marathon Majors - 7 giải chạy danh giá nhất thế giới gồm Boston, Chicago, New York, London, Berlin, Tokyo và Sydney, ban tổ chức sẽ có các vạch kẻ dưới đường, gọi là "Blue line". Đây không hẳn là đường ngắn nhất, mà là tối ưu nhất. Nếu xem truyền hình trực tiếp Eliud Kipchoge chạy ở các giải này, bạn sẽ thấy anh ta luôn chạy trên đường xanh này.

Độc giả Minh Phụng chỉ vào vạch Blue line trên đường chạy Berlin Marathon khi sang dự giải major này năm 2022. Ảnh: Độc giả cung cấp

Tuy nhiên, với trường hợp đường chạy vừa cua vừa dốc lên, như ở Hà Giang Marathon, ôm sát mặt trong lại không phải lựa chọn tốt. Dốc lượn lên thì càng bên trong, độ dốc càng lớn. Khi này, ta nên chọn mở rộng vòng cua ra ngoài, dài hơn chút nhưng sẽ đỡ mất sức do leo dốc hơn.

Cũng như bất cứ kỹ thuật nào khác trong marathon, bạn cần làm quen với nó ngay trong khi tập. Việc chạy theo đường tiếp tuyến cũng vậy, ta cần luyện tập để biến nó thành thói quen, thành phản xạ tự nhiên để khi vào race khỏi lúng túng.

Độc giả Nguyễn Minh Phụng

Tin liên quan
Tin Nổi bật