'Đường vào thiền'

14/03/2025
|
0 lượt xem
Chính Sách Điểm Sách Giải Trí
'Đường vào thiền'

Trong nhịp sống hối hả, nhiều người có thể nghĩ thiền là điều gì đó huyền bí, tâm linh. Trong sách Đường vào Thiền, Osho mở ra cách tiếp cận khác, không phải để chạy trốn cuộc sống, mà để khám phá bản thể, hiểu và sống trọn vẹn hơn.

Bìa "Đường vào Thiền", sách 310 trang, phát hành đầu tháng 3. Ảnh: First News

Tác phẩm tập hợp những bài giảng trong khóa thiền do Osho hướng dẫn, diễn ra ba ngày tại khu đồi Mahabaleshwar (Ấn Độ). Tác giả mở đầu bằng nhận định: Không phải ai cũng thực sự giác ngộ hay mong muốn tìm ra sự thật. Nhiều người trôi dạt giữa cuộc đời, bị cuốn theo những trách nhiệm, tham vọng, khát khao nửa vời mà chưa bao giờ thực sự dừng lại để tự hỏi: Ta là ai? Mục đích của sự tồn tại này là gì? Ta sống theo quán tính, theo những khuôn mẫu được định sẵn, nhưng hiếm khi có đủ dũng khí để nhìn sâu vào tâm thức và tự vấn về sự tồn tại.

Theo Osho, khát khao sự thật là điều kiện tiên quyết để bước vào thiền. Khi đó, con người sẽ được thôi thúc khám phá những tầng sâu hơn của tâm thức. Tác giả cho rằng thiền không phải trạng thái có thể đạt được bằng sự cố gắng hay kỷ luật tinh thần, mà đó là cách một người sống, nơi mọi thứ hiện diện trọn vẹn trong từng khoảnh khắc, lúc ăn uống, đi đứng, làm việc hay trò chuyện.

Khi con người biết quan sát, không mong cầu hay kiểm soát, tâm trí sẽ tự khắc lắng xuống, giống như mặt hồ chỉ yên ả khi không còn những gợn sóng do tác động bên ngoài. Trạng thái này không thể đạt được qua lý trí, qua việc đọc sách hay nghiên cứu triết học mà bằng cách trải nghiệm. Cơ thể là một phần của thiền. Ta cần có tâm trí thuần khiết, không bị cản trở bởi những xung động bị dồn nén. Những cảm xúc, căng thẳng tích tụ sẽ tạo ra các rào cản ngăn ta đi sâu vào chính mình.

Bản tiếng Anh của cuốn "Đường vào Thiền" (Path of Meditation: A Step by Step Guide to Meditation), 262 trang. Osho là người khởi xướng phong trào thiền học "đánh thức sự sống" (Jivan Jagruti Adolan). Ảnh: Rebel Publishing House

Yếu tố quan trọng nhất là sự quan sát. Điều này đòi hỏi sự thay đổi trong cách tiếp cận cuộc sống. Thay vì tìm những điều lớn lao, ta học cách trân trọng những gì đang có. Thay vì chờ đợi sự khai sáng, ta nhận ra trong từng khoảnh khắc đều chứa đựng sự thật. Tác giả cho rằng mỗi người cần tìm ra phương pháp phù hợp với mình. Một số người sẽ nhận ra thiền trong sự im lặng, số khác tìm thấy nó trong chuyển động, âm nhạc, hay trong hoạt động hàng ngày.

Ông viết: "Sáng tạo vĩ đại nhất của con người là chính họ, sáng tạo vĩ đại nhất của con người là khả năng tự nhận thức của họ. Bất kỳ thứ gì khác mà họ tạo ra đều không có nhiều giá trị như vậy; nó sẽ giống như vẽ trên mặt nước. Nhưng những gì họ tạo ra bên trong chính mình, những gì họ tạo ra từ chính mình, sẽ giống như hình khắc trên đá: không bao giờ có thể bôi xóa, nó sẽ mãi ở bên họ".

Tác phẩm nhận nhiều lời khen từ độc giả. Trên Goodreads, tài khoản William Bryant bình luận: "Những lời giảng có cảm giác sống động và mới mẻ. Ví dụ trong sách đưa tôi đến cánh cửa của sự im lặng". Một người khác viết: "Osho khám phá những hạn chế mà một người đặt ra cho bản thân. Ông đưa ra mặt tiêu cực của cuộc sống hiện đại. Tôi sẽ cần đọc lại để hiểu rõ hơn".

Osho (1931-1990) tên thật là Chandra Mohan Jain, sinh tại Ấn Độ. Ông là nhân vật gây nhiều tranh cãi ở thế kỷ 20. Suốt 58 năm, ông ra mắt hàng nghìn băng ghi âm và video triết lý và tín ngưỡng - sau này được ghi lại thành sách, dịch ra hơn 60 ngôn ngữ trên thế giới. Ông được biết đến rộng rãi với phương pháp thiền động của Osho (active meditation) giúp giải tỏa căng thẳng, trải nghiệm sự an nhiên, tĩnh tại.

Tuy vậy, tư tưởng và phát ngôn của Osho cũng gây nhiều tranh cãi, phản biện. Ông từng chỉ trích các tôn giáo chính thống của Ấn Độ "đã chết", chỉ còn lại những nghi thức sáo rỗng và lợi dụng nỗi sợ hãi để kiểm soát tín đồ. Trong loạt bài giảng năm 1968, ông kêu gọi sự cởi mở với tình dục. Ông còn lên án các khái niệm truyền thống về chủ nghĩa dân tộc. Phim tài liệu Wild Wild Country (2018) tái hiện câu chuyện Osho và các môn đồ từng đến Mỹ với kỳ vọng xây dựng "quốc gia không tưởng" giữa lòng nước Mỹ. Tuy vậy, dự án sụp đổ vì vấp phản ứng dữ dội của cư dân bản và chính quyền bản địa.

Theo giới chuyên gia, nhìn từ bên ngoài, quan điểm của Osho gần gũi, hấp dẫn người đọc. Tuy nhiên, khi xem xét sâu hơn, những tư tưởng như tìm kiếm niềm vui, chối bỏ lý trí, có thể gây hại cho xã hội, nhất là với giới trẻ. Lời giảng của Osho nhấn mạnh vào chủ nghĩa cá nhân và sự tự khám phá, nhưng nếu bị hiểu sai có thể dẫn đến việc coi thường trách nhiệm xã hội và nhu cầu của người khác. Trên diễn đàn Quora, nhiều độc giả cho rằng điều quan trọng là phải tiếp cận những lời dạy của Osho bằng tư duy phản biện và sự sáng suốt.

Quế Chi

Tin liên quan
Tin Nổi bật