Trả lời:
Nước muối từ lâu đã được công nhận về khả năng làm sạch da nhẹ nhàng. Muối hạt mịn có thể hoạt động như một sản phẩm tẩy tế bào chết cơ học, giúp da mịn màng và sáng hơn. Tuy nhiên, muối để lâu trên da có thể gây mất nước hoặc các tinh thể muối với kích thước không đồng đều làm tổn thương bề mặt da trong quá trình ma sát.
Bạn chỉ nên thi thoảng dùng nước muối rửa mặt, không nên xem đây là phương pháp làm sạch dầu, giảm nhờn và mụn. Lạm dụng có thể kích ứng, tổn hại cho hàng rào bảo vệ da, từ đó làm trầm trọng thêm một số tình trạng như mụn trứng cá, bệnh chàm hoặc gây tăng sắc tố và sẹo.
Bạn nên pha nước muối để đạt được nồng độ 0,9% - nồng độ gần giống với sinh lý của cơ thể. Nên lau nhẹ mặt bằng miếng bông thấm dung dịch nước muối hoặc xịt nước muối lên mặt và nhẹ nhàng thấm sạch phần nước muối thừa bằng bông.
Cách pha dung dịch nước muối: đun sôi 2 cốc (500 ml) nước máy và một thìa cà phê (5 ml) muối. Đậy hờ nắp để hỗn hợp nguội. Sau khi đạt đến nhiệt độ phòng, hãy đóng chặt hộp đựng, bảo quản ở nhiệt độ phòng. Để hỗn hợp nước muối nguội trước khi sử dụng, vì nước nóng có thể gây bỏng hoặc làm da khô và kích ứng thêm.
Bạn có thể thử rửa mặt bằng nước muối 1-2 lần một tuần để kiểm tra phản ứng của da. Tránh chà xát khi thoa muối lên mặt. Muối có tính ăn mòn và có thể làm hỏng da khi thoa ở nồng độ cao trong thời gian quá dài. Chỉ nên dùng muối để tẩy tế bào chết cho cơ thể trong thời gian ngắn, tránh dùng cho mặt.
Chọn muối biển thay vì muối ăn vì muối biển chứa các khoáng chất vi lượng và ít bị chế biến hơn. Nước muối tự chế có thể không mang lại những lợi ích tương tự nước biển. Nước muối từ đại dương không chỉ chứa muối mà còn các khoáng chất tự nhiên như magiê, canxi và kali. Những khoáng chất này có thể đem lại nhiều lợi ích cho da và khó tự chế tại gia.
Sử dụng kem dưỡng ẩm phù hợp da của bạn sau khi rửa mặt bằng nước muối để ngăn ngừa khô da. Ngừng sử dụng nước muối trên mặt nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu như mẩn đỏ, bong tróc, cảm giác da căng, ngứa, đóng vảy, bong tróc, thay đổi màu da như các mảng tối hoặc xám.
Với tình trạng da dầu nhờn, mụn nhiều, bạn nên đến bác sĩ da liễu khám để được đánh giá và điều trị bằng thuốc cũng như các sản phẩm thoa phù hợp.
Bác sĩ CKI Võ Thị Tường Duy,Đơn vị Da liễu - Thẩm mỹ Da Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh da liễu - chăm sóc da tại đây để bác sĩ giải đáp