Trang trại nuôi cá chẽm của anh Dũng, 42 tuổi, ở xã Liêu Tú, huyện Trần Đề, rộng hơn 40 ha với hàng chục ao. Đây cũng là cơ sở uy tín cung cấp hàng nghìn tấn cá nguyên liệu, đưa loài cá đặc sản xuất khẩu đến nhiều quốc gia.
Anh Võ Điền Trung Dũng người được mệnh danh là "vua cá chẽm" miền Tây. Ảnh: An Minh
Anh Dũng vốn là người có nhiều năm gắn bó với nghề nuôi tôm của địa phương. Năm 2010, khi nguồn lợi thủy sản khai thác ngày càng khan hiếm, nuôi trồng các loài nước lợ dần trở thành hướng thay thế. Thời điểm này, anh Dũng biết cá chẽm được các viện, trường ở Nha Trang, Bà Rịa – Vũng Tàu nghiên cứu nhân giống. Qua tìm hiểu, anh nhận thấy rằng loài cá này thích hợp với vùng đất Sóc Trăng, nhưng chưa có nhiều người tiếp cận.
Sau thời gian nghiên cứu, anh Dũng quyết định chuyển đổi 1,5 ha ao tôm để nuôi thử nghiệm cá chẽm, nguồn giống từ một số tỉnh miền Trung. Lúc này anh nghĩ cứ nuôi để có sản phẩm rồi thử thị trường, đúc kết kinh nghiệm. Năm đầu tiên ba ao nuôi của anh cho sản lượng khoảng 50 tấn cá chẽm.
Với khởi đầu khá gian nan đó, anh mở rộng dần diện tích theo sự phát triển của nghề. Cơ hội thực sự đến khi con cá chẽm được xuất khẩu, nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy chế biến ngày càng tăng. Cuối năm 2019, anh Dũng quyết định dừng hẳn nuôi tôm, dồn sức mở rộng trang trại nuôi cá chẽm lên 40 ha bằng hình thức thâm canh công nghiệp.
Nhân công thu hoạch cá chẽm tại trang trại của anh Dũng. Ảnh: An Minh
Vốn có kinh nghiệm từ nuôi tôm, các ao cá chẽm của anh được đầu tư bài bản với hệ thống xử lý nước tuần hoàn, đảm bảo các chỉ tiêu nghiêm ngặt về môi trường. Theo anh, yếu tố đầu tiên quyết định thành công của mô hình là phải nguồn nước tốt (độ mặn phù hợp cho loài này từ 5-15 phần ngàn), tiếp đến là đầu tư cơ sở hạ tầng phù hợp, nguồn nhân lực trách nhiệm và nền tảng khoa học kỹ thuật của quy trình nuôi. "Chỉ riêng chi phí đầu tư hạ tầng khoảng 1,5 tỷ đồng mỗi ha mặt nước", anh Dũng nói.
Theo anh Dũng, tùy theo khả năng đầu tư, người nuôi cá chẽm có thể lựa chọn các hình thức nuôi khác nhau như quảng canh, thâm canh, bán thâm canh. Cá chẽm nuôi 8-12 tháng tùy theo nhu cầu thị trường sẽ thu hoạch.
Hiện trang trại nuôi cá chẽm thâm canh của anh Dũng được đánh giá quy mô lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Anh đang liên kết với các nhà máy chế biến để xuất khẩu phile cá chẽm sản lượng hơn 1.000 tấn mỗi năm sang các thị trường Australia, Thái Lan, Mỹ, Canada... Ngoài ra, mỗi năm cơ sở xuất bán 2.000 tấn cá cho thị trường trong nước, chủ yếu ở TP HCM, TP Cần Thơ. Các thị trường trong và ngoài nước đem lại doanh thu cho anh mỗi năm hàng trăm tỷ đồng.
Sau nhiều năm giá biến động theo chiều hướng giảm, hiện mức giá cá chẽm ở mức cao. Nếu người nuôi cung ứng sản phẩm cho nhà máy chế biến để xuất khẩu giá cá khoảng 90.000 đồng mỗi kg thu mua tại ao, còn tiêu thụ nội địa từ 95.000-100.000 đồng mỗi kg (kích cỡ trung bình trên một kg một con).
"Giá cá cao vì nguồn cung quá ít so với nhu cầu. Bởi trước đó, người nuôi cá chẽm thua lỗ nên không tái sản xuất", anh Dũng nói. Anh cho rằng làm nông nghiệp nhiều bấp bênh và rủi ro, người sản xuất cần cố gắng làm hết sức mình, kiên trì, khó khăn tới đâu giải quyết ngay.
Hiện mỗi năm trang trại của anh Dũng cung ứng khoảng 3.000 tấn cá chẽm cho xuất khẩu và tiêu thụ trong nước: Ảnh: An Minh
Để trang trại hoạt động tốt, ngoài đầu tư bài bản anh Dũng xây dựng đội ngũ 10 kỹ sư để quản lý ao nuôi và chất lượng đầu ra. Hiện anh hợp tác với khoảng 10 hộ nuôi cá chẽm trong khu vực để hướng dẫn kỹ thuật và thu mua sản phẩm. Cá xuất khẩu phải qua quy trình kiểm tra nghiêm ngặt, giúp sản phẩm cạnh tranh với hàng của các đơn vị nước ngoài.
Ông Phan Văn Hà, Trưởng trạm khuyến nông huyện Trần Đề, cho biết giá cá chẽm vẫn chịu nhiều tác động từ chi phí sản xuất, biến động thị trường. Do đó người nuôi cần xây dựng chuỗi liên kết với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu để phát triển bền vững. Ngoài ra, nông dân cần tính toán kỹ lưỡng, có sự chuẩn bị khi tiếp cận mô hình bởi vốn đầu tư là khá lớn.
Chúc Ly